Cùng khám phá những câu chuyện và truyền thuyết
về vịnh Hạ Long

Những truyền thuyết về vịnh Hạ Long qua trí tưởng tượng dân gian

Vịnh Hạ Long có lịch sử từ lâu đời, trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất. Tuy nhiên với trí tưởng của dân gian cùng ý niệm về nguồn gốc “Con Rồng, cháu Tiên” mà những truyền thuyết khá ly kỳ về vịnh Hạ Long đã ra đời để giải thích cho tên gọi đó.

Một truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi, phổ biến nhất trong dân gian đó là: Ngày xưa, khi nước Việt ta mới được thành lập đã bị giặc ngoại xâm đánh chiếm. Thấy thế Ngọc Hoàng đã cử Rồng Mẹ cùng đàn Rồng Con của mình xuống hạ giới để giúp đỡ người Việt đánh giặc. Khi các thuyền giặc ồ ạt tiến từ biển vào bờ cũng là lúc đàn Rồng hạ phàm. Ngay lập tức, đàn Rồng phun lửa thiêu cháy thuyền giặc và một phần nhả Châu Ngọc đã tạo thành một vức tường đá vô cùng vững chắc sừng sững giữa đất trời khiến thuyền giặc đâm vào vỡ tan tành.

Sau khi đánh tan giặc ngoại xâm giúp người Việt, đàn Rồng mới có dịp chiêm ngưỡng khung cảnh nơi đây. Thấy mặt đất thanh bình, cây cối xanh tươi và những con người thì cần cù, chịu khó nên Rồng Mẹ đã quyết định cùng Rồng Con ở lại  nơi vừa mới diễn ra trận đấu để có thể bảo vệ con dân Đại Việt muôn đời. Và ngày nay, nơi Rồng Mẹ đáp xuống chính là Vịnh Hạ Long còn nơi đàn Rồng Con hạ giới là vịnh Bái Tử Long.

Cũng có một truyền thuyết kể lại rằng vào thời kỳ đầu khi có giặc ngoại xâm, một con Rồng đã bay dọc sông xuôi về phía biển và đáp xuống vùng ven biển Đồng Bắc tạo thành một bức tường thành vô cùng chắc chắn, ngăn cản bước tiến của kẻ thủ. Chỗ rồng đáp xuống chính là vịnh Hạ Long

Nơi ghi dấu lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc

Với vị trí đặc biệt quan trọng, ngay từ thế kỷ XII (năm 1149) dưới triều vua Lý Anh Tông, trong khu vực Vịnh Hạ Long, thương cảng Vân Đồn đã được thành lập. Đây là thương cảng quốc tế đầu tiên của Việt Nam, đã nhanh chóng phát triển thành  nơi trao đổi, buôn bán sầm uất suốt một thời gian dài từ thời Lý, Trần đến Lê.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, Vịnh Hạ Long còn là nơi ghi dấu những chiến công hào hùng của dân tộc từ thế kỷ X đến thế kỷ XX đó là: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán (năm 938), Lê Hoàn đánh thắng quân Tống (năm 981), Trần Hưng Đạo đánh thắng quân Nguyên Mông (năm 1288). Và lịch sử cũng không quên những chiến công vang dội của quân và dân Quảng Ninh trên vùng Vịnh Hạ Long qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần bảo vệ hoà bình cho Tổ Quốc.

Hiện nay, trong khu vực Vịnh Hạ Long còn có nhiều di tích lịch sử – văn hoá quan trọng, đặc biệt cộng đồng ngư dân các làng chài trên Vịnh vẫn còn bảo lưu những nét văn hoá, truyền thống độc đáo của người vùng biển Hạ Long như hò, vè, hát đám cưới, hát giao duyên và nhiều lễ tục truyền thống khác.

Kì quan được tạo hóa ban tặng

Nằm ở vùng Đông Bắc của Việt Nam, cách Hà Nội 151km về phía Đông Bắc, Vịnh Hạ Long là một phần của vịnh Bắc Bộ bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả và một phần của huyện đảo Vân Đồn.

Vịnh Hạ Long bao gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ. Khu vực tập trung dày đặc các hòn đảo đá vốn nổi tiếng thế giới về cảnh đẹp hùng vĩ của những hang động tự nhiên và nhân tạo này đã hình thành nên khu trung tâm Vịnh Hạ Long, nơi hai lần được tổ chức UNESCO công nhận là Di sản Thế giới.

Đây là một vịnh khuất có tổng diện tích 1500km2 với  hàng nghìn các nhóm đảo hình thành tự nhiên (chủ yếu là đá vôi). Nhiều đảo được đặt theo tên của những hình dáng mà chúng mô phỏng như Đảo Cóc, Đảo Voi, Đảo Gà chọi, Đảo Rùa hay Đảo Mái – điều này đã khơi gợi trí tưởng tượng của các du khách. Hai đảo lớn hơn Tuần Châu và Cát Bà là nơi cư dân sinh sống quanh năm.

Vịnh Hạ Long là một khu vực đá vôi với rất nhiều hang động tuyệt đẹp như hang Đầu Gỗ, hang Bồ Nâu, hang Trống, hang Trinh Nữ và hang Sửng Sốt. Mỗi hang động đều gắn liền với một truyền thuyết riêng hết sức thú vị của nó.